Nội dung môn học

CHƯƠNG II

HIỆU LỆNH ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

2.1.  CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

2.1.1.  Tại những nơi cần điều khiển giao thông sẽ dùng các phương pháp sau :

-  Bằng tay;

-  Bằng cờ;

-  Bằng gậy chỉ huy giao thông có màu đen trắng sen kẽ, có đèn hoặc không có đèn ở bên trong;

-  Bằng đèn tín hiệu ánh sáng.

2.1.2.  Việc chỉ huy giao thông được thực hiện bằng hai cách:

-  Người điều khiển;

-  Hệ thống tín hiệu ánh sáng tự động.

2.2.  HIỆU LỆNH CỦA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

2.2.1.  Người điều khiển giao thông

Người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông mặc sắc phục theo quy định của Nhà nước hoặc là những người được giao nhiệm vụ điều khiển giao thông có mang băng đỏ rộng 10 cm ở cánh tay phải.

Người điều khiển giao thông là thanh tra giao thông, công chức thang tra mặc sắc phục theo quy định của Nhà nước.

2.2.2.  Hiệu lệnh của cảnh sát điều điều khiển giao thông

2.2.2.1.  Hiệu lệnh điều khiển giao thông bằng tay

a)   Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng dừng lại;

b)  Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; cánh tay trái người điều khiển gập đi gập lại sau gáy để báo hiệu người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn hoặc cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực để báo hiệu người tham gia giao thông bên phải người điều khiển đi nhanh hơn; bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại; bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại;

c)  Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phía sau lưng người điều khiển giao thông được phép đi; đồng thời tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay phải báo


hiệu người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được rẽ trái qua trước mặt   người điều khiển.

2.2.2.2.  Hiệu lệnh điều khiển giao thông bằng âm thanh còi

-  Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại;

-  Một tiếng còi ngắn là cho phép đi;

-  Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn là cho phép rẽ trái;

-  Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh là ra hiệu nguy hiểm đi chậm lại;

-  Ba tiếng còi ngắn thổi nhanh là báo hiệu đi nhanh lên;

-  Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm tra hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.

2.2.2.3 Hiệu lệnh điều khiển giao thông bằng ánh sáng đèn

- Cầm đèn ánh sáng có mặt đỏ giơ cao hướng về phía phương tiện đang chạy tới.

*   Trường hợp khi có tín hiệu hoặc hiệu lệnh phải dừng lại, nếu phương tiện tham gia giao thông đã đi vượt qua vạch sơn số 7.1 “Vạch dừng xe” tại các nơi đường giao nhau mà dừng lại sẽ gây mất an toàn giao thông thì được phép đi tiếp; người đi bộ còn đang đi ở lòng đường thì nhanh chóng đi hết hoặc dừng lại ở đảo an toàn, nếu không có đảo thì dừng lại ở vạch sơn phân chia hai dòng phương tiện giao thông đi ngược chiều.

*  Trường hợp người điều khiển chỉ gậy chỉ huy giao thông vào hướng xe nào thì xe ở hướng đó phải dừng lại.

2.2.3.  Hiệu lệnh của thanh tra giao thông, công chức thanh tra điều khiển giao


thông


2.2.3.1.  Các trường hợp dừng phương tiện đường bộ

Thanh tra viên, công chức thanh tra được phép dừng phương tiện đường bộ trong các trường hợp sau đây:

1.  Buộc chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 55 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2.  Khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau:

a)  Vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ;

b)  Vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ;

c)   Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định;

d)   Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.

2.2.3.2.   Hiệu lệnh dừng phương tiện đường bộ; nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra đường bộ khi dừng phương tiện

a) Hiệu lệnh dừng phương tiện được thực hiện thông qua tín hiệu dừng phương tiện, bao gồm:

-  Bằng gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP;

-  Còi, loa pin cầm tay, loa điện gắn trên phương tiện;

-  Barie hoặc rào chắn.

a) Hiệu lệnh dừng phương tiện bằng gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP khi Thanh tra viên đứng trên đường:

-  Thanh tra viên đứng nghiêm tại vị trí an toàn và người điều khiển phương tiện có thể quan sát được, mặt hướng về phía phương tiện giao thông có dấu hiệu vi phạm, tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông (hoặc biển hiệu lệnh STOP) theo phương song song với mặt đất, lòng bàn tay giữ cho gậy chỉ huy giao thông (hoặc cán vợt biển hiệu lệnh STOP) ở vị trí thẳng đứng.

-   Người điều khiển phương tiện nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ, đồng thời tuân theo sự hướng dẫn của Thanh tra viên đỗ xe vào vị trí phù hợp và an toàn để thực hiện việc kiểm tra.

a)   Hiệu lệnh dừng phương tiện bằng gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP khi Thanh tra viên ngồi trên phương tiện giao thông:

-  Thanh tra viên cầm gậy chỉ huy giao thông hoặc biển hiệu lệnh STOP đưa sang ngang phía phương tiện có dấu hiệu vi phạm để người điều khiển phương tiện có thể nhìn thấy. Trường hợp phương tiện của Thanh tra đường bộ đi cùng chiều và ở phía sau phương tiện có dấu hiệu vi phạm, thanh tra viên dùng loa yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng lại.

-  Người điều khiển phương tiện tiện nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng lại vào vị trí theo hướng dẫn của Thanh tra đường bộ đỗ vào vị trí thích hợp để thực hiện việc kiểm tra.

 

2.3.  HIỆU LỰC CỦA NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG

Tất cả các lái xe, người đi bộ đều phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.


2.4.  ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG BẰNG TÍN HIỆU ĐÈN

2.4.1.  Điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu ba mầu

1)   Đèn tín hiệu giao thông có ba mầu: Đỏ, vàng và xanh, có hình dạng tròn, lắp theo chiều thẳng đứng hoặc nằm ngang như hình vẽ 2-1.

Thứ tự lắp đèn theo chiều thẳng đứng: Trên cùng là đèn đỏ, giữa là đèn vàng và dưới cùng là đèn xanh như hình vẽ 2-1.

Thứ tự lắp đèn theo chiều nằm ngang: Bên trái là đèn đỏ; giữa là đèn vàng và bên phải là đèn xanh theo chiều lưu thông như hình vẽ 2-1.

2)  Ý nghĩa của từng mầu quy định như sau:

a)  Tín hiệu xanh: cho phép đi;

b)  Tín hiệu đỏ: báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

c)   Tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo


chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.

d)  Tín hiệu vàng nhấp nháy: báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

2.4.2.  Đèn phụ

a)   Nếu đèn có lắp đèn phụ hình mũi tên màu xanh thì các loại phương tiện giao thông chỉ được đi khi tín hiệu mũi tên bật sáng cho phép. Tín hiệu mũi tên cho phép rẽ trái thì đồng thời cho phép quay đầu nếu không có báo hiệu cấm quay đầu khác.

b)   Nếu đèn phụ có hình của một loại phương tiện giao thông nào đó xanh thì chỉ loại phương tiện đó được phép đi.

c)   Khi tín hiệu mũi tên màu xanh được bật sáng cùng một lúc với tín hiệu đỏ hoặc vàng thì các phương tiện đi theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi.

d)  Khi tín hiệu mũi tên màu đỏ được bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì phương tiện không được đi theo hướng mũi tên. Những nơi bố trí mũi tên màu đỏ phải bố trí làn chờ cho các xe đi hướng đang có đèn màu đỏ.

e)   Khi tín hiệu màu đỏ có hình của một loại phương tiện nào đó bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì loại phương tiện đó không được đi. Những nơi có bố trí đèn hình phương tiện màu đỏ thì phải bố trí làn chờ cho phương tiện đó.

2.4.3.  Điều khiển giao thông bằng loại đèn hai màu

a)   Điều khiển giao thông đối với người đi bộ bằng loại đèn hai màu: khi tín hiệu màu đỏ có tín hiệu hình người tư thế đứng hoặc chữ viết "Dừng lại"; khi tín hiệu màu xanh, có hình người tư thế đi hoặc chữ viết "Đi". Người đi bộ chỉ được phép đi qua đường khi tín hiệu đèn xanh bật sáng và đi trong hàng đinh gắn trên mặt đường hoặc vạch sơn dành cho người đi bộ qua đường. Tín hiệu đèn xanh nhấp nháy báo hiệu chuẩn bị chuyển sang tín hiệu màu đỏ; người đi bộ lúc này không nên bắt đầu đi ngang qua đường.

b)  Loại đèn hai màu xanh và đỏ không nhấp nháy dùng để điều khiển giao thông ở những nơi giao nhau với đường sắt, bến phà, cầu cất, dải cho máy bay lên xuống ở độ cao không lớn v.v... Đèn xanh bật sáng: cho phép các phương tiện giao thông được đi. Đèn đỏ bật sáng: cấm đi. Hai đèn xanh và đỏ không được cùng bật sáng một lúc.

c)   Loại đèn đỏ hai bên thay nhau nhấp nháy nơi giao nhau với đường sắt, khi bật sáng thì mọi phương tiện phải ngừng lại và chỉ được đi khi đèn tắt. Ngoài ra để gây chú ý, ngoài đèn đỏ nhấp nháy còn trang bị thêm chuông điện hoặc tiếng nói nhắc nhở có tàu hỏa.

2.4.4.  Điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu hai hộp treo trên phần đường xe chạy

Để điều khiển giao thông cho từng loại phương tiện trên từng làn riêng có thể áp dụng đèn tín hiệu 2 hộp treo trên phần đường xe chạy, tín hiệu xanh có hình mũi tên chỉ xuống dưới, tín hiệu đỏ có hình hai gạch chéo. Những tín hiệu của đèn này có ý nghĩa như sau:

-  Tín hiệu xanh cho phép đi ở trên làn đường có mũi tên chỉ;

-  Tín hiệu đỏ cấm đi ở trên làn đường có treo tín hiệu màu đỏ.

2.5.  HIỆU LỰC CỦA ĐÈN TÍN HIỆU


Ở nơi đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Trong trường hợp không sử dụng đèn tín hiệu để điều khiển giao thông theo từng làn đường riêng thì tín hiệu đèn có tác dụng cho toàn bộ phần đường xe chạy theo hướng xe đến. Trong trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định.

HÌNH DẠNG ĐÈN TÍN HIỆU


Hình vẽ 2-1


2.6.  XE ƯU TIÊN VÀ TÍN HIỆU CỦA XE ƯU TIÊN

2.6.1.  Xe ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:

1. Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;

2.     Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe có xe cảnh sát dẫn


đường;


3.    Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;

4.    Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm


nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

5.    Đoàn xe tang.

2.6.2.  Xe ưu tiên, khi làm nhiệm vụ có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

2.6.3 Tín hiệu của xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ:

a)  Xe chữa cháy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe và có còi phát tín hiệu ưu tiên.

b)  Tín hiệu của xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên; Xe máy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu quân sự cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

c)  Tín hiệu của xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên; Xe máy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau, cờ hiệu công an cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

d)  Tín hiệu của xe cảnh sát giao thông dẫn đường có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh - đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên; Xe máy có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu công an cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

e)  Tín hiệu của xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên.

f)   Tín hiệu của xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật có cờ hiệu “HỘ ĐÊ” cắm ở đầu xe phía bên trái người lái;

Xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật thực hiện như sau:

-  Xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh có biển hiệu riêng.

-  Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật có cờ hiệu “TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP” cắm ở đầu xe phía bên trái người lái.

2.6.4. Sử dụng tín hiệu của xe ưu tiên:

Xe được quyền ưu tiên chỉ được sử dụng tín hiệu ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ và thiết bị phát tín hiệu ưu tiên trên xe phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng.


Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không thuộc loại xe được quyền ưu tiên thì không cho phép lắp đặt, sử dụng còi, cờ, đèn phát tín hiệu ưu tiên. Không cho phép xe được quyền ưu tiên nhưng lắp đặt, sử dụng tín hiệu còi, cờ, đèn ưu tiên không đúng quy định.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

 

 

Câu 82. Khi gặp hiệu lệnh như dưới đây của cảnh sát giao thông thì người tham gia giao thông phải đi như thế nào là đúng quy tắc giao thông?

 

1.  Người tham gia giao thông ở các hướng phải dừng lại.

2.  Người tham gia giao thông ở các hướng được đi theo chiều gậy chỉ của cảnh sát giao thông.

3.  Người tham gia giao thông ở phía trước và phía sau người điều khiển được đi tất cả các hướng; giao thông ở phía bên phải và phía bên trái người điều khiển phải dừng lại.

4.  Người tham gia giao thông ở phía trước và phía sau người điều khiển phải dừng lại; giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng.

 

 


 

Câu 83. Khi gặp hiệu lệnh như dưới đây của cảnh sát giao thông thì người tham gia giao thông phải đi như thế nào là đúng quy tắc giao thông?


1.  Người tham gia giao thông ở hướng đối diện cảnh sát giao thông được đi, các hướng khác cần phải dừng lại.

2.  Người tham gia giao thông được rẽ phải theo chiều mũi tên màu xanh ở bục cảnh sát giao thông.

3.  Người tham gia giao thông ở các hướng đều phải dừng lại trừ các xe đã ở trong khu vực giao nhau.

4.  Người ở hướng đối diện cảnh sát giao thông phải dừng lại, các hướng khác được đi trong đó có bạn.


Rating
2 1 00:00/00:00
1. Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại bên phải đường của mình và trước vạch “dừng xe” tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt khi có báo hiệu dừng nào dưới đây?
2. Trên đoạn đường bộ giao nhau đồng mức với đường sắt, người không có nhiệm vụ có được tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng hay không?
3. Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, những hành vi nào dưới đây bị nghiêm cấm?